Hà Nội trong một chiếc bánh? Không cao sang, không cầu kỳ, nhưng bánh cốm lại mang trong mình cả một phần hồn đất Hà Nội – tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Chiếc bánh vuông vắn với lớp vỏ cốm dẻo thơm, màu xanh lúa non mát mắt, gói trọn lấy nhân đậu xanh mịn màng, bùi ngọt. Không gắt, không ngấy – vị ngọt thanh của bánh cốm như một lời mời nhẹ nhàng: hãy dừng lại một chút, và cảm nhận.
“Mướt xanh sắc cốm tươi non,
Dẻo thơm thức bánh ngậm tròn vị quê.
Đong đưa hương bánh rủ rê,
Thanh thao vị bánh vỗ về giác quan.
Sợi dừa thanh mát trắng ngần,
Chút giòn, chút béo ân cần gửi trao.
Nhân bùi, cốm dẻo quyện nhau,
Để bánh cốm mãi đẹp màu thời gian.”
-Bùi Thị Ngọc Diệp-
Thuở ban đầu, người làm bánh cốm đã khởi đầu với một tâm hồn đơn giản, mong muốn sáng tạo ra một loại bánh mới, gần gũi như bánh chưng, nhưng lại mang đến hương vị ngọt ngào khác biệt. Điều này dẫn đến việc chọn lựa nguyên liệu kỹ lưỡng, với gạo nếp và đậu xanh là hai thành phần quan trọng. Gạo nếp sử dụng để làm vỏ bánh là loại gạo nếp non được chế biến thành cơm, tạo nên lớp vỏ mềm mại cho chiếc bánh. Nhân bánh được tạo ra từ đậu xanh và dừa, cả hai được xào chung với đường để tạo nên hương vị thơm ngon và ngọt ngào cho bánh cốm.
Nghệ thuật của sự tỉ mỉ
Chất lượng của bánh phụ thuộc nhiều vào việc chọn lựa nguyên liệu. Cốm sử dụng phải là cốm già, vì cốm non khi xào với đường có thể trở nên nhão, không thích hợp cho việc làm vỏ bánh. Trong mùa cốm, thêm cốm tươi vào hỗn hợp giúp bánh cốm trở nên dai dẻo và mang hương vị tươi mới của cốm. Trước khi xào đường, cốm thường được ủ trong khoảng một giờ, tăng cường độ ngon cho bánh. Quá trình làm nhân bánh cũng đòi hỏi sự kỹ lưỡng, với việc chọn loại đậu xanh phù hợp và quy trình ngâm nước cẩn thận để tránh tình trạng thiu, đảm bảo ngon miệng cho nhân bánh.

Người làm thường không tuân theo một công thức cụ thể, mà chúng phát triển theo kinh nghiệm và thói quen cá nhân. Ví dụ, quyết định khi nào xào cốm dựa vào cảm nhận về độ dính, thường là khi cảm thấy bề mặt cốm không còn dính tay nữa thì mới chuyển sang bước xào đường. Điều này thể hiện sự nhạy bén và linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, loại cốm và thời gian ủ.
Bánh cốm – Hương vị lưu giữ mùa thu Hà Nội
Ăn bánh cốm ngon nhất là sau khi làm bánh được vài giờ. Lớp cốm dẻo quánh dậy mùi thơm của hạt cốm mới, chút nhân đậu xanh, mứt bí ngọt ngào khiến người ăn chẳng ai nỡ cắn một hai miếng mà hết ngay chiếc bánh dù nó mỏng dính, mềm mại. Lạ làm sao, cái bánh cốm nhỏ nhoi là thế, mà giờ đây nó trở thành một nét đẹp trong văn hóa ăn hỏi của đất kinh kì….
Bánh cốm – Hương vị Hà Nội trong hình hài nhỏ xinh